Trẻ được tư vấn điều trị đái tháo đường tại Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Chiều 24-6, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Hướng dẫn chuyên môn bệnh đái tháo đường cho trẻ em và thanh thiếu niên lần đầu tiên được biên soạn tại Việt Nam.

Đái tháo đường type 1 gia tăng ở trẻ em

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bệnh đái tháo đường phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên là đái tháo đường type 1. Theo thống kê, đái tháo đường type 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em.

Theo Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2022, trên thế giới có 8,75 triệu người đang chung sống với đái tháo đường type 1, trong đó 1/5 số người sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp.

Tính riêng năm 2022, trên toàn cầu có tới 530.000 ca mắc đái tháo đường type 1 mới ở mọi lứa tuổi, trong đó có 201.000 người mắc ở độ tuổi dưới 20.

Tại Việt Nam, hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về dịch tễ của đái tháo đường type 1 ở trẻ em. Tuy nhiên, dữ liệu từ các bệnh viện chuyên khoa nhi cho thấy cả nước có gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường type 1.

Số trẻ mắc đái tháo đường type 1 có xu hướng gia tăng trong cả nước từ 7 năm gần đây. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ năm 2017 đến 2023, mỗi năm có từ 60 đến 95 trẻ mới được chẩn đoán đái tháo đường type 1.

Để tăng cường chuẩn hóa và chất lượng trong khám chữa bệnh đái tháo đường type 1, dựa trên tiến bộ khoa học kỹ thuật và các khuyến cáo quốc tế, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Cần phát hiện, điều trị sớm

Theo các chuyên gia, đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng insulin thì mới có cơ hội sống.

Những dấu hiệu khi trẻ mắc đái tháo đường như tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân, thiếu năng lượng hay luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, khát nhiều.

Theo ông Trần Minh Điển - giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, đái tháo đường type 1 có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ sơ sinh cho đến độ tuổi lớn hơn. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, tình trạng bệnh có thể tiến triển nặng, nhiễm toan, đe dọa tính mạng.

Khi đã phát hiện bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch điều trị. Giai đoạn đầu trẻ sẽ được điều trị tại các bệnh viện, tính toán liều insulin cho trẻ.

Khi đã điều trị ổn định, trẻ có thể được điều trị, theo dõi tại nhà. Ngoài điều trị insulin thì chế độ dinh dưỡng, vận động cũng rất quan trọng trong việc điều trị đái tháo đường type 1 ở trẻ.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường ở trẻ tập trung chủ yếu vào thực hành lâm sàng chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 1 với mục tiêu phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời, kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường type 1. Giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho trẻ em và gia đình đang sống cùng bệnh đái tháo đường type 1, giúp trẻ có một cuộc sống mạnh khỏe lâu dài.

Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực điều trị đái tháo đường trẻ em

Cũng trong chiều 24-6, Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã ký kết bản ghi nhớ về hợp tác nâng cao năng lực y tế giai đoạn 2024-2026.

Bộ Y tế và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam ký kết bản ghi nhớ hợp tác - Ảnh: D.LIỄU

Mục tiêu chương trình là nâng cao chất lượng khám, điều trị các bệnh mạn tính hướng tới chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.

Đại sứ quán Đan Mạch sẽ hợp tác, tạo điều kiện cho việc trao đổi kiến thức. Đồng thời, tăng cường đào tạo y tế, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh đái tháo đường và béo phì. Xây dựng, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về y tế và giải quyết khoảng trống điều trị.

Trước đó, giai đoạn 2016-2023, Bộ Y tế cũng phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam triển khai chương trình hợp tác trong lĩnh vực đào tạo y tế và đã đạt được nhiều kết quả, như nâng cao năng lực cho 4.500 lượt bác sĩ đa khoa và chuyên khoa trên toàn quốc về bệnh đái tháo đường và béo phì, xây dựng các hướng dẫn chuyên môn,...